Mật Mã Tây Tạng
tác giả : Hà Mã
Dịch giả: Lục Hương
Giới thiệu :
Với độ dài 10 tập (1,2 triệu chữ), Mật mã Tây Tạng xoay quanh lịch sử bí ẩn hơn một ngàn năm của Tây Tạng. Cuốn sách được ví như cuộc hôn phối đậm chất Á đông của Bí mật ngôi mộ cổ và Mật mã Da Vinci, đặt ra nhiều thách thức với những tâm hồn ưa khám phá. Pho tiểu thuyết đồ sộ này còn được xem là dạng bách khoa thư về nhiều lĩnh vực: văn hóa Tạng, loài chó, xe cộ, quân sự, sinh vật, địa lý, thiên văn, lịch sử, tôn giáo, văn minh Maya, du lịch, y học…
Ông Trương Hải Phong, CEO của San Fu, bình phẩm, Mật mã Tây Tạng là một tác phẩm đồ sộ dưới góc độ thám hiểm, tìm về lịch sử bí ẩn nghìn năm của miền đất này. Phật giáo Tây Tạng, chó ngao Tây Tạng, truyền thuyết Tây Tạng, những pho sử thi truyền miệng, những cảnh tượng kỳ vĩ - tất cả đều hội tụ một cách hoàn mỹ trong tiểu thuyết này.
Từ tháng 2/2008, Mật mã Tây Tạng bắt đầu được bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn mạng. Tập đoàn Xuất bản Trùng Khánh dự định in lần đầu 100.000 bản, không ngờ đơn đặt hàng của các tiệm sách ùn ùn gửi về, cuối cùng phải tăng lên 200.000 bản. Chưa đầy một tuần sau khi phát hành, 200.000 bản sách đã bán hết veo.
Không lâu trước đó, hơn 100 nhà xuất bản trên thế giới, trong đó có tập đoàn Penguin của Mỹ, bắt đầu cạnh tranh giành quyền xuất bản Mật mã Tây Tạng ở nước ngoài. Đến nay, tiền bản quyền mà tác giả nhận được đã lên tới con số triệu NDT. Báo cáo thị trường sách của Trung Quốc năm nay đánh giá, Mật mã Tây Tạng là cuốn tiểu thuyết có tiềm năng bán chạy nhất và có thể sẽ vượt qua cuốn sách bán chạy nhất mấy năm trước là Ma thổi đèn.
Chuyến phiêu lưu kéo dài qua 8 tập sách được mở ra từ một khán phòng trên đất Mỹ. Trác Mộc Cường Ba - người đàn ông quê Tây Tạng, hiện đã là một thương nhân giàu có với nghề nuôi dạy và kinh doanh chó ngao Tây Tạng. Nhưng, giữa bài phát biểu khai mạc cuộc thi chó ngao quốc tế do chính công ty mình tổ chức, Cường Ba nhận được hai tấm ảnh bí ẩn khiến anh mất hết tự chủ, sẵn sàng vứt bỏ luôn cuộc thi để quay trở lại Trung Quốc.
Hai tấm ảnh chụp lại một con chó ngao kỳ quái mà Cường Ba nhất định tin rằng chính là Tử Kỳ Lân trong truyền thuyết nghìn năm mà đất Tây Tạng vẫn lưu truyền. Không thể chậm trễ hơn, Cường Ba tìm cách thuyết phục người thầy vốn là giáo sư uyên thâm về chó ngao đi cùng anh về quê nhà, lần theo dấu vết mà tấm ảnh hé lộ để tìm cho được Tử Kỳ Lân. Nhưng, Cường Ba không ngờ rằng chuyến đi của anh còn mang theo trách nhiệm tìm kiếm cho được bộ Tạng kinh quý hiếm ngàn năm vốn do người Qua Ba giữ gìn.
Mặc dù là tác giả “hot” nhất tại Trung Quốc hiện nay, tên tuổi thực và xuất thân cụ thể của Hà Mã vẫn là bí ẩn đối với độc giả. Thông tin ngắn ngủi mà người ta biết về anh là Hà Mã người quê Tứ Xuyên, từng sống 10 năm ở Tây Tạng. Anh thích thám hiểm, từng một mình vượt qua Khả Khả Tây Lý, rừng rậm nguyên thủy Xi Xuang Ba Na - những khu vực hoang vu và hiểm nguy chết người tại Tây Tạng. Kiến thức, kinh nghiệm và ký ức thu được từ những chuyến đi đó, cùng với tài năng hư cấu xuất sắc, đã giúp Hà Mã sáng tác nên bộ kỳ thư này.
Những câu chuyện kinh hồn bạt vía được miêu tả trong tác phẩm của Hà Mã đã thu hút rất nhiều người ưa du lịch mạo hiểm, bởi vậy chuỗi của hàng chuyên bán đồ phục vụ dã ngoại, thám hiểm San Fu quyết định lần đầu tiên bán sách và bày Mật mã Tây Tạng ở những nơi nổi bật nhất.
Comments[ 0 ]
Post a Comment